Monday 3 August 2009

Ngôi nhà “phế liệu”

Ngày 04.08.2009 Giờ 08:37

Ngôi nhà “phế liệu”

Kiến trúc & Đời sống - Trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống hôm nay, để có được một “không gian thiền định” là việc không đơn giản. “Một không gian tĩnh lặng cho tinh thần càng cần ít hơn sự hiện hữu của vật chất phù phiếm”, đó là suy nghĩ và lựa chọn một không gian sống - làm việc của hoạ sĩ Nguyễn Minh Phước

Chái nhà mé tây với tường đất trộn rơm, khung nhà gỗ, mái lợp nghiêng 450, với lối kiến trúc làng ở âu châu. Trên buồng ngủ, dưới là xưởng vẽ cùng một vườn cây nhỏ phía sau

Còn lại không nhiều một vùng yên bình như thế này. Cách trung tâm Hà Nội chừng 20km, đi qua chùa Trăm Gian chừng vài trăm mét là xã Tiên Phương thuộc Chương Mỹ, Hà Tây (cũ) – nơi ao làng, đình chùa, bạch đàn chen vách đá, nơi đình làng im lìm nằm kề bên uỷ ban xã khang trang... Dường như cuộc sống nơi đây không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên mà trong thực tại, cái đẹp còn ở câu chào lối xóm, vẻ chất phác, ân cần trong giao tiếp của người dân thôn Đồng Nanh. Có lẽ chính vì những lý do giản dị đấy mà đây là nơi nhiều nghệ sĩ tìm về, tìm một “chỗ trú” tạm lánh ồn ào nơi đô thị.

Phước đã có duyên tìm được một mảnh đất trên một ngọn đồi cao nhất nơi đây, ngôi nhà được chính anh và một người bạn – hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành thiết kế và chỉ đạo đội ngũ thợ làng thi công. Căn nhà hai tầng được xây cất ở vị trí thi công phức tạp, trên cao và đất rắn, sử dụng chủ yếu bằng nguyên liệu được thu thập từ nhiều nguồn: khung nhà sàn của dân tộc Tày và dân tộc Bức Bàn (thuộc nhóm Kinh Bắc bộ), cọ đặt mua từ Yên Bái, gạch phế phẩm Bát Tràng loại từ dự án trùng tu Quốc Tử Giám...

Phần xây dựng chủ yếu do Nguyễn Minh Thành đảm nhiệm. Anh đã học hỏi cách làm nhà từ kinh nghiệm truyền thống vùng thôn quê (tỷ lệ đất bùn trộn mật, rơm,… ) từ bạn bè trong ngành xây dựng, nhưng có lẽ khó khăn hơn cả là học cách “ngoại giao” với làng xóm về chiều cao của công trình để làm sao không phá vỡ cảnh quan cũ của làng. Nhận thức rõ tính không gian trong cảnh quan, Thành quyết định giữ lại toàn bộ cây xanh trong vườn và ngôi nhà cứ từ đó mà thành hình dựa theo những tán cây.

Việc sử dụng thiết bị hiện đại trong nhà (thiết bị vệ sinh, điện tử...) được chính tay Phước chọn lựa kỹ càng để không bị lệch với không khí chung. Phía sân trước anh cho trồng những loại cây chắn gió với rễ cọc nhằm trụ vững trên đồi cao. Cây được đặt tỷ lệ vừa phải để không che lấp hướng nhìn phía tây nam rất đẹp về Hà Nội.

Mặt sau ngôi nhà nhìn ra quốc lộ 1A.

Mặt trước của buồng khách với không gian mở bởi cửa ra vào lớn cùng nhiều cửa sổ, hướng cửa nhìn về Hà Nội. Đất trộn rơm làm tường, nhưng ngôn ngữ lại mang sắc thái giống như ở vùng Điạ Trung Hải

Tổng thể kiến trúc nhà mang hơi thở đương đại với sự pha trộn nhiều hình ảnh khác nhau. Khung nhà hai tầng bằng gỗ với vách tường trơn gợi đến hình ảnh những ngôi làng cổ châu Âu. Chân tường nhà được decor những mảng ximăng tĩnh cùng những chi tiết gỗ ở cửa ra vào lại mang hơi hướng Nhật Bản. Thuỷ đình đậm chất Trung Hoa, là nơi ngồi hóng mát được cách bởi mảnh sân gạch, mà ở đây, sự uyển chuyển của những viên gạch được lát đã tạo khoảng giãn hợp lý và thoáng đãng.

­Nội thất căn nhà là sự kết nối thông suốt giữa không gian làm việc (studio), phòng khách, sảnh và buồng ngủ. Khoảng không gian mở lớn từ trên nóc cùng với nhiều ô cửa hai bên tạo nguồn ánh sáng mạnh. Cách tư duy về không gian này cho cảm giác không giới hạn khi ngồi trong buồng khách. Buồng ngủ nằm phía đông,

bên trái nhà. Studio ở phía dưới, được đặt chìm xuống lòng đất với một ô cửa kính lớn ngang tầm mắt, nhìn ra vườn cây cảnh. Đây quả là một hiệu ứng thị giác tuyệt vời cho không gian sáng tác .

Vì hạn chế tối đa sắt thép nên vật liệu dùng làm nội thất chủ yếu là phế liệu và vật liệu ít tiền. Cọ nguyên cây được xẻ ra với vỏ làm ván lót thuỷ đình, ruột cưa từng đoạn kết hợp với bùn, mật, rơm làm tường để gia tăng sức bền. Cây gỗ tạp xẻ đôi, lật ngửa làm cầu thang. Các loại giường tủ, vật dụng sinh hoạt cũng là những ứng dụng linh hoạt và thông minh từ các món đồ cổ bị bỏ đi từ những cuộc trùng tu di tích trước đây. Phước đã cất công “nhặt” lại và lưu giữ những mảnh điêu khắc cổ, những hoạ tiết đá, gỗ chạm trổ từ đình, chùa cổ với biết bao nuối tiếc và xót xa…

Là một trong số những hoạ sĩ đương đại đầu tiên tại Việt Nam với công việc điều hành gallery “Ryllega” cùng nhiều hoạt động nghệ thuật thiết thực và hiệu quả trong hơn 10 năm, đến nay, Phước đang muốn tìm một khoảng tĩnh trong lao động nghệ thuật. Một “không gian thiền định” luôn là nơi tìm đến của “một thể đồng nhất” từ con người, nghề nghiệp đến cuộc sống. Tạm ngưng hoạt động “Ryllega”

Hà Nội, Minh Phước cùng một số nghệ sĩ sẽ có một triển lãm nghệ thuật đương đại tại Bắc Âu vào mùa thu này.


Phòng khách là một không gian mở thông tầng, hành lang được xếp bởi nhiều lớp gỗ tạo một vành nhấn chi tiết sinh động. Các ô cửa sổ tiếp tục được mở rộng cao dần, ánh sáng tự nhiên được tận dụng triệt để

Cầu thang dẫn lên gác làm bằng thân cây cưa đôi. Bên trái là lối vào buồng tắm và vệ sinh. Buồng ngủ với giường là miếng phản gỗ ghép, chân giường kê bằng mẩu gỗ chạm trổ vốn thu gom được từ phế liệu nhà thờ Nam Định. Từ buồng ngủ bước ra là lan can, vách tường được làm từ đất rơm và gia cố bằng những thân cọ cắt nhỏ. Sàn khung gỗ ghép với ximăng

Lan can với góc mái của nhà gỗ nguyên bản Tầng 2, nơí đặt bàn thờ với những hoạ tiết gỗ lim có được từ một phế tích thể hiện sự kính trọng của anh với tín ngưỡng

Chi tiết những miếng gỗ lim và chiếc bàn viết anh sưu tập được

Xưởng vẽ thấp hơn mặt sân, có cửa sổ ngang với vườn cảnh, cầu thang làm từ một đoạn gỗ tạp xẻ đôi.

Buồng vệ sinh mộc mạc Góc nhìn từ thuỷ đình, bên trái là gian nhà chính

Thuỷ đình nhìn từ bên ngoài Cánh cổng gỗ là “tác phẩm” thú vị của Phước bởi anh tự tay thiết kế, lựa chọn tiểu tiết trang trí để đạt được cảm giác nhẹ và tĩnh

Gạch trưóc sân được lát thô, thẳng. Cây lớn phía trước và sau vốn có sẵn trong vườn Hoạ sĩ Nguyễn Minh Phước bên cạnh “tác phẩm” của mình

Địa chỉ: Thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Thiết kế: hoạ sĩ Nguyễn Minh Phước, hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành

Diện tích khuôn viên 1.000m2

Diện tích nhà ở 360m2

Thời gian thi công 2006 – 2007 chi phí xây dựng 800 triệu đồng

Bài và ảnh: Tường Huy


Bài trích trong Kiến trúc & Đời sống số tháng 8.2009, phát hành từ 4.8.2009. Mời bạn đón đọc.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=55053&fld=HTMG/2009/0803/55053

No comments:

Post a Comment