Friday 28 August 2009

Hẹn nhau về chốn "nhà quê"



Một số bài chính Thứ sáu, 28-08-2009


Hẹn nhau về chốn "nhà quê"

Khu nhà vườn rộng 15.000m2 của bác sĩ Nguyễn Thanh Vân ở Q. 9, TP. HCM là một không gian đậm chất vườn Nam bộ quê ông. Có khá nhiều “đặc sản” ở đây: xoài, ổi, nhãn, chùm ruột… xum xuê khắp nơi, xen kẽ giữa các dãy nhà dân gian đến từ nhiều vùng miền khác nhau.

Một không gian nhà vườn “rặt màu” Nam bộ

Và có thể nói toàn khu nhà không có sự can thiệp của xếp đặt chuyên nghiệp, nhìn vào là biết chủ nhà làm theo kiểu “tự túc cuốn chiếu”, kiếm được cái gì hay hay thì “tà tà” thả vô cái đó.

Ngôi nhà cổ kiểu Nam bộ này có từ năm 1904 ở Tân Trụ, Long An, được đưa về dành làm nơi tiếp đón bè bạn

Những chiếc xe bò từng lăn bánh khắp các miệt Hóc Môn, Thủ Thừa, Trảng Bàng… được chủ nhà nhặt nhạnh, gom góp lại; chúng được đặt để khi hờ hững, lúc cẩn trọng quanh vườn. Những bánh xe bò gợi cho ông nhớ về những chuyến đi, càng đi nhiều càng ao ước trở về.

Xe bò không chỉ để trang trí trong vườn, mà còn “biến tấu” thành giường, ghế, bàn, đèn trang trí

Ông bảo có những cuộc di chuyển xa vạn dặm mà lòng người vẫn không nguôi ngoai quê nhà; lại có những chốn dừng chân thật tiện nghi mà lữ khách mệt mỏi chẳng đoái hoài vương vấn - không vì ngại nơi sang chốn lạ, hay không thích lụa là gấm nhung, mà chính ở tận sâu trong tâm khảm mỗi người Việt đều có một chữ quê, một chữ nhà, và nhất là một chữ quê nhà.

Giữa nhà chính với khu nhà khách là hồ sen chạy dọc theo hành lang cùng với hồ bơi, tạo nên vẻ xanh mát, thi vị.

Để hướng về, quay về, trở về... Về quê ăn tết, về nhà đón xuân, đều như một cuộc trở về, dù ngắn ngủi trong mấy

Những hàng hiên đậm chất không gian Việt, với gam màu thật ấm áp của gạch và gỗ
Ngôi nhà sàn lộng gió từ ngoài sông thổi vào.

BÀI: LÊ HUY

ẢNH: NGỌC THẠCH

(KTNĐ số 1-2009)

************************************************

source

http://www.nhadep-magazine.com.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=638&news_id=1392#content

Sunday 23 August 2009

Ba mục đích trong một ngôi nhà


Ngày 23.08.2009 Giờ 16:16


Kiến trúc & Đời sống - Vừa cho thuê làm văn phòng, có riêng một tầng spa và vẫn đảm bảo chỗ ở cho một gia đình. Ba mục đích ấy được “gói” trong căn nhà có chiều ngang 5m

Ngôi nhà có một tầng chỉ dành riêng cho phòng ngủ và một khu ngồi uống trà và bể tắm, xông hơi với ánh sáng thiên nhiên từ trên cao rọi xuống. Nếu không gian như vậy ở một căn biệt thự thì không có gì đáng nói, nhưng đây chỉ trong một căn nhà phố nằm trong hẻm nên nó tạo ngạc nhiên cho người đến thăm nhà. Khu vực này được làm tách biệt nên khi đóng cửa nó như một spa độc lập.

Tầng một dành cho các sinh hoạt chung với phòng ăn, bếp, quầy bar và phòng khách. Tất cả chung nhau một mặt bằng và thông với nhau nhưng khi nhìn vào nó vẫn có sự cách biệt bởi sự can thiệp khéo léo. Hàng cây xanh, giếng trời, trở thành sự phân định không gian giữa bếp và các khu vực khác, làm cho không gian có nhịp điệu. Cuối nhà có một giếng trời nhỏ và khoảng gần giữa có thêm một giếng trời nữa, chính vì thế ánh sáng rọi từ trên xuống từng khúc của ngôi nhà tạo nên sự tự nhiên và đứng ở đâu cũng có thể nhận được ánh sáng trời. Phòng khách lấy ánh sáng từ mặt tiền phía trước nhưng không bằng cửa sổ thông thường mà bằng cách lấy sáng từ trên cao và các cửa sổ dọc. Nhờ vậy, ánh sáng chiếu vào bên trong nhà không bị quá gắt và điều tiết được.

Trong nhà sử dụng cầu thang thẳng một vế đi lên các tầng. Tầng bên dưới và tầng lửng được dùng để kinh doanh cho thuê văn phòng. Khu vực này hầu như tách biệt với chủ nhân nên nó thuận tiện cho cả người thuê và cho thuê.

Thiết kế: Nguyễn Hữu Công Khanh

Địa chỉ: công ty Nguyên Khanh, 1/2 Đoàn Thị Điểm, Phú Nhuận.

Bài và ảnh: Thu Thuỷ

Không gian thông thoáng nhờ có các giếng trời và cầu thang chỉ sử dụng những sợi dây tạo nên luồng không khí lưu thông

Giếng trời và bồn cây phân chia không gian bếp và quầy bar.

Khu vực dành cho kinh doanh

Bếp, quầy bar, phòng khách nối liền trong một không gian

Phòng khách với các cửa giống như các khe hẹp lấy ánh sáng từ mặt tiền

Bếp với hai màu trắng đen tương phản.

Phòng ngủ cũng có phòng tắm trong suốt & bản vẽ mặt bằng trệt


source
http://sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=55228&fld=HTMG/2009/0807/55228

Tuesday 11 August 2009

Sống ở bungalow


Ngày 09.08.2009 Giờ 17:48

Sống ở bungalow

Kiến trúc & Đời sống - Ngôi nhà trệt, mái lợp lá dừa hệt như bungalow của những resort ở vùng biển lại nằm yên ả trong một con đường khuất ở khu Thảo Điền, Quận 2. Một cánh cổng to chắc chắn bằng gỗ đã nhuốm màu thời gian. Lối đi từ cửa cổng trải dài với hai hàng cây phủ mát dẫn đến khu vườn nhỏ trước sân nhà và cả gian bếp ngoài trời

Những công tắc quạt cổ bố trí ngay mái hiên.

Lối vào nhà với thảm cỏ xanh lãng mạn

Uyên, chủ nhân ngôi nhà kể rằng hai vợ chồng họ dọn đến đây từ sáu năm trước, khi ấy nơi này chỉ là một căn nhà tạm bợ không có gì đặc biệt, nhưng ngay lập tức họ cảm thấy quyến luyến lối đi lãng mạn dẫn vào nhà, lại thêm khu vườn xinh xắn sẵn có. Thế là hai vợ chồng bắt tay vào việc thiết kế lại không gian sống theo cách của riêng mình. Chị cũng tiết lộ, chồng chị, người Đức, vốn là chủ một công ty chuyên thiết kế, sản xuất đồ nội thất xuất khẩu đi các nước châu Âu, thế nên toàn bộ đồ nội thất trong nhà đều được đo ni cho phù hợp với sở thích và gu thẩm mỹ của cả hai người. Họ đều là người yêu thích phong cảnh đồng quê thế nên mọi vật dụng trong nhà họ đều chọn loại vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, gần gũi, nhẹ nhàng và đơn giản.

Khoảng sân bên ngoài đủ để bố trí một gian bếp ngoài trời theo đúng phong cách châu Âu, bao gồm bếp, lò nướng, bàn để đồ ăn, bồn rửa chén, tủ lạnh. khu nấu ăn và quầy bar, với những chiếc ghế cao thoải mái là không gian hàn huyên của chồng chị và những người bạn vào những đêm trăng đẹp.

Nội thất bên trong ngôi nhà mang phong cách châu Âu, phòng khách rộng chiếm nửa diện tích đặt ở trung tâm ngôi nhà, hai bên là phòng ngủ chính dành cho người lớn và phòng ngủ nhỏ, phòng đồ chơi dành cho trẻ con. Cả hai phòng ngủ đều có những cánh cửa mở ra ngoài. Chỉ cần với tay kéo rèm cửa là nghe tiếng chim lích chích, tiếng côn trùng. Lãng mạn và bay bổng nhất là phòng tắm, chủ nhân mang tất cả những thi vị cuộc sống vào không gian này, với cánh cửa sổ mở ra sân vườn, trẻ con sẽ thích thú ngắm những khóm lá xanh còn đọng sương mỗi buổi sớm mai, chúng bước chân vào bồn tắm và tưởng tượng đang nghịch với cát biển, với những con ốc chậm chạp đang ngủ quên bên lối vào.

Địa chỉ nhà: 17 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Q.2

Bài: Nguyên Kha
Ảnh: A.Q

Phòng ngủ chính với cánh cửa lớn thông với không gian phòng khách Góc giải trí của gia đình
Phòng khách được thiêt kế nội thất theo gu của chủ nhà Góc trưng bày cho những đứa trẻ trong nhà
Phòng tăm theo đúng kiểu bungalow. Những đồ gỗ do chính tay chủ nhà đóng
------------------------------------------------------------------ source http://sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=55256&fld=HTMG/2009/0807/55256

Thursday 6 August 2009

penthouse tại cao ốc D House



Ngày 06.08.2009 Giờ 18:37

Nơi thanh tẩy!

Kiến trúc & Đời sống - Chủ nhân penthouse Tạ Mỹ Dương tự trào: “Có gì đâu, tôi mua vài căn nhà xếp chồng lên nhau rồi tôi lên nóc để ở ấy mà!”

“Hồ trên mái” bơi ngửa với mây trời

Tôi, khách tham quan thì bảo “Làm nghề như ông Tạ Mỹ Dương thế là nhất. Bản vẽ của mình chẳng ai “duyệt” mình, xấu hay đẹp đều tự mình chịu trách nhiệm, mình vẽ nhà của mình tự do theo ý mình tuyệt đối sướng nhất rồi còn gì!”

Nhà thơ Nguyễn Duy ngày càng trầm mặc, ít nói, chỉ khe khẽ gật gù khi đi thăm thú cái penthouse tận tầng 8 của một cao ốc mang tên chủ nhân “D House” đường Nguyễn Thị Diệu, quận 3.

Người khác nhận định penthouse thì nhiều nơi cũng có nhưng đa phần chủ nhân phải thiết kế, cải tạo lại như cái penthouse ở một chung cư quận 10 của nhạc sĩ Trần Tiến. Ở đây thì ngay từ phác thảo đầu tiên KTS Tạ Mỹ Dương đã vẽ từ A đến Z một penthouse cho chính mình. Nếu nó đẹp, nó hợp lý cũng phải thôi. Hình dung xem, cái terrace, cái hoa viên trước nhà (thường nằm ở dưới đất) lại mở ra… bầu trời, cả một không gian bát ngát chập chùng cao ốc, mái nhà trong tầm mắt sáng cũng như chiều, ngày cũng như đêm lồng lộng gió trời ở trên cao nên thấy gió rong chơi. Thấy sao mọc rất vừa tầm tay hái… Tôi để lại câu thơ này cho penthouse Tạ Mỹ Dương.

Kiến trúc sư Vũ Đại Hải, người nổi tiếng cực khó, cực kỹ tính tối ấy không kiệm lời: “Đẹp đấy! Chỗ thanh tẩy”. Ông chỉ ra cho tôi, kẻ ngoại đạo kiến trúc, chiếc bàn vẽ cũ kỹ mà anh sinh viên kiến trúc Tạ Mỹ Dương ngày xưa vẫn giữ lại, vẫn làm việc với nó. Ông chỉ chỉ những góc kê bộ bàn ghế cũ bằng gỗ của thập niên 60 – 70, đã lên nước bóng với thời gian giảng giải: ngôi nhà mới chỉ là nhà mới, không gian sống phải ẩn chứa những phảng phất ký ức, những kỷ niệm đi qua đời của chủ nhân đang sống. Ngôi nhà mới có một linh hồn. Khi nhìn đồ vật cũ nơi cha mình thường ngồi, người sống hôm nay thấy lòng chùng xuống, nhớ nhung, hoài cảm nhẹ nhàng. Đấy chính là một phần của thanh tẩy tâm hồn. Nếu tôi, người viết không đủ sức diễn đạt lại đúng ý. Mong ông bỏ qua.

Một ngôi nhà như chuồng bồ câu trắng trên cao. Bình minh lên, hoàng hôn xuống, bóng chim vụt qua và sao trời buổi tối. Ở đời còn muốn gì hơn nữa...

Công trình căn hộ penthouse tại cao ốc D House do chủ nhân là KTS Tạ Mỹ Dương thiết kế.

Tưởng như một góc Hà Nội

“... Những bậc cầu thang như phím dương cầm, tôi lên xuống ngỡ mình là nốt nhạc”

Ở đâu cũng ngập ánh sang

Paris có gì lạ không em? Ngồi đây bỗng nhớ Nguyên Sa

Chỗ của bày biện chút sở thích nhớ nhung văn hoá cổ xưa, cũng là phòng ăn ấm áp

Và phòng khách dẫn ra terrace

Cõi riêng đây - đầy mỹ cảm nữ tính dành cho vợ

Bàn vẽ thời sinh viên của chủ nhân

Không gian nho nhỏ của ký ức – hoài niệm, chỗ gợi nhớ của gia đình qua bộ bàn ghế cũ ngày xưa

Vừa đủ sạch sẽ tinh tươm cho phòng tắm


“Ở trên cao thấy gió rong chơi... thấy sao mọc rất vừa tầm tay hái”.

Bản vẽ lầu 6 và lầu 7


Ảnh: Hải Đông
Bài: Đỗ Trung Quân

source
http://sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=55161&fld=HTMG/2009/0806/55161

Monday 3 August 2009

Ngôi nhà “phế liệu”

Ngày 04.08.2009 Giờ 08:37

Ngôi nhà “phế liệu”

Kiến trúc & Đời sống - Trong dòng chảy gấp gáp của cuộc sống hôm nay, để có được một “không gian thiền định” là việc không đơn giản. “Một không gian tĩnh lặng cho tinh thần càng cần ít hơn sự hiện hữu của vật chất phù phiếm”, đó là suy nghĩ và lựa chọn một không gian sống - làm việc của hoạ sĩ Nguyễn Minh Phước

Chái nhà mé tây với tường đất trộn rơm, khung nhà gỗ, mái lợp nghiêng 450, với lối kiến trúc làng ở âu châu. Trên buồng ngủ, dưới là xưởng vẽ cùng một vườn cây nhỏ phía sau

Còn lại không nhiều một vùng yên bình như thế này. Cách trung tâm Hà Nội chừng 20km, đi qua chùa Trăm Gian chừng vài trăm mét là xã Tiên Phương thuộc Chương Mỹ, Hà Tây (cũ) – nơi ao làng, đình chùa, bạch đàn chen vách đá, nơi đình làng im lìm nằm kề bên uỷ ban xã khang trang... Dường như cuộc sống nơi đây không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên mà trong thực tại, cái đẹp còn ở câu chào lối xóm, vẻ chất phác, ân cần trong giao tiếp của người dân thôn Đồng Nanh. Có lẽ chính vì những lý do giản dị đấy mà đây là nơi nhiều nghệ sĩ tìm về, tìm một “chỗ trú” tạm lánh ồn ào nơi đô thị.

Phước đã có duyên tìm được một mảnh đất trên một ngọn đồi cao nhất nơi đây, ngôi nhà được chính anh và một người bạn – hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành thiết kế và chỉ đạo đội ngũ thợ làng thi công. Căn nhà hai tầng được xây cất ở vị trí thi công phức tạp, trên cao và đất rắn, sử dụng chủ yếu bằng nguyên liệu được thu thập từ nhiều nguồn: khung nhà sàn của dân tộc Tày và dân tộc Bức Bàn (thuộc nhóm Kinh Bắc bộ), cọ đặt mua từ Yên Bái, gạch phế phẩm Bát Tràng loại từ dự án trùng tu Quốc Tử Giám...

Phần xây dựng chủ yếu do Nguyễn Minh Thành đảm nhiệm. Anh đã học hỏi cách làm nhà từ kinh nghiệm truyền thống vùng thôn quê (tỷ lệ đất bùn trộn mật, rơm,… ) từ bạn bè trong ngành xây dựng, nhưng có lẽ khó khăn hơn cả là học cách “ngoại giao” với làng xóm về chiều cao của công trình để làm sao không phá vỡ cảnh quan cũ của làng. Nhận thức rõ tính không gian trong cảnh quan, Thành quyết định giữ lại toàn bộ cây xanh trong vườn và ngôi nhà cứ từ đó mà thành hình dựa theo những tán cây.

Việc sử dụng thiết bị hiện đại trong nhà (thiết bị vệ sinh, điện tử...) được chính tay Phước chọn lựa kỹ càng để không bị lệch với không khí chung. Phía sân trước anh cho trồng những loại cây chắn gió với rễ cọc nhằm trụ vững trên đồi cao. Cây được đặt tỷ lệ vừa phải để không che lấp hướng nhìn phía tây nam rất đẹp về Hà Nội.

Mặt sau ngôi nhà nhìn ra quốc lộ 1A.

Mặt trước của buồng khách với không gian mở bởi cửa ra vào lớn cùng nhiều cửa sổ, hướng cửa nhìn về Hà Nội. Đất trộn rơm làm tường, nhưng ngôn ngữ lại mang sắc thái giống như ở vùng Điạ Trung Hải

Tổng thể kiến trúc nhà mang hơi thở đương đại với sự pha trộn nhiều hình ảnh khác nhau. Khung nhà hai tầng bằng gỗ với vách tường trơn gợi đến hình ảnh những ngôi làng cổ châu Âu. Chân tường nhà được decor những mảng ximăng tĩnh cùng những chi tiết gỗ ở cửa ra vào lại mang hơi hướng Nhật Bản. Thuỷ đình đậm chất Trung Hoa, là nơi ngồi hóng mát được cách bởi mảnh sân gạch, mà ở đây, sự uyển chuyển của những viên gạch được lát đã tạo khoảng giãn hợp lý và thoáng đãng.

­Nội thất căn nhà là sự kết nối thông suốt giữa không gian làm việc (studio), phòng khách, sảnh và buồng ngủ. Khoảng không gian mở lớn từ trên nóc cùng với nhiều ô cửa hai bên tạo nguồn ánh sáng mạnh. Cách tư duy về không gian này cho cảm giác không giới hạn khi ngồi trong buồng khách. Buồng ngủ nằm phía đông,

bên trái nhà. Studio ở phía dưới, được đặt chìm xuống lòng đất với một ô cửa kính lớn ngang tầm mắt, nhìn ra vườn cây cảnh. Đây quả là một hiệu ứng thị giác tuyệt vời cho không gian sáng tác .

Vì hạn chế tối đa sắt thép nên vật liệu dùng làm nội thất chủ yếu là phế liệu và vật liệu ít tiền. Cọ nguyên cây được xẻ ra với vỏ làm ván lót thuỷ đình, ruột cưa từng đoạn kết hợp với bùn, mật, rơm làm tường để gia tăng sức bền. Cây gỗ tạp xẻ đôi, lật ngửa làm cầu thang. Các loại giường tủ, vật dụng sinh hoạt cũng là những ứng dụng linh hoạt và thông minh từ các món đồ cổ bị bỏ đi từ những cuộc trùng tu di tích trước đây. Phước đã cất công “nhặt” lại và lưu giữ những mảnh điêu khắc cổ, những hoạ tiết đá, gỗ chạm trổ từ đình, chùa cổ với biết bao nuối tiếc và xót xa…

Là một trong số những hoạ sĩ đương đại đầu tiên tại Việt Nam với công việc điều hành gallery “Ryllega” cùng nhiều hoạt động nghệ thuật thiết thực và hiệu quả trong hơn 10 năm, đến nay, Phước đang muốn tìm một khoảng tĩnh trong lao động nghệ thuật. Một “không gian thiền định” luôn là nơi tìm đến của “một thể đồng nhất” từ con người, nghề nghiệp đến cuộc sống. Tạm ngưng hoạt động “Ryllega”

Hà Nội, Minh Phước cùng một số nghệ sĩ sẽ có một triển lãm nghệ thuật đương đại tại Bắc Âu vào mùa thu này.


Phòng khách là một không gian mở thông tầng, hành lang được xếp bởi nhiều lớp gỗ tạo một vành nhấn chi tiết sinh động. Các ô cửa sổ tiếp tục được mở rộng cao dần, ánh sáng tự nhiên được tận dụng triệt để

Cầu thang dẫn lên gác làm bằng thân cây cưa đôi. Bên trái là lối vào buồng tắm và vệ sinh. Buồng ngủ với giường là miếng phản gỗ ghép, chân giường kê bằng mẩu gỗ chạm trổ vốn thu gom được từ phế liệu nhà thờ Nam Định. Từ buồng ngủ bước ra là lan can, vách tường được làm từ đất rơm và gia cố bằng những thân cọ cắt nhỏ. Sàn khung gỗ ghép với ximăng

Lan can với góc mái của nhà gỗ nguyên bản Tầng 2, nơí đặt bàn thờ với những hoạ tiết gỗ lim có được từ một phế tích thể hiện sự kính trọng của anh với tín ngưỡng

Chi tiết những miếng gỗ lim và chiếc bàn viết anh sưu tập được

Xưởng vẽ thấp hơn mặt sân, có cửa sổ ngang với vườn cảnh, cầu thang làm từ một đoạn gỗ tạp xẻ đôi.

Buồng vệ sinh mộc mạc Góc nhìn từ thuỷ đình, bên trái là gian nhà chính

Thuỷ đình nhìn từ bên ngoài Cánh cổng gỗ là “tác phẩm” thú vị của Phước bởi anh tự tay thiết kế, lựa chọn tiểu tiết trang trí để đạt được cảm giác nhẹ và tĩnh

Gạch trưóc sân được lát thô, thẳng. Cây lớn phía trước và sau vốn có sẵn trong vườn Hoạ sĩ Nguyễn Minh Phước bên cạnh “tác phẩm” của mình

Địa chỉ: Thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Thiết kế: hoạ sĩ Nguyễn Minh Phước, hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành

Diện tích khuôn viên 1.000m2

Diện tích nhà ở 360m2

Thời gian thi công 2006 – 2007 chi phí xây dựng 800 triệu đồng

Bài và ảnh: Tường Huy


Bài trích trong Kiến trúc & Đời sống số tháng 8.2009, phát hành từ 4.8.2009. Mời bạn đón đọc.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=55053&fld=HTMG/2009/0803/55053