Friday 3 July 2009

Chốn vô ưu















































































Chốn vô ưu
Ở Đà Lạt không lên đồi thì xuống lũng. Ngôi nhà toạ lạc trên đường Cao Bá Quát mang số 35 cũng thế. Lối vào dẫn xuống thung lũng mà ngước lên ta sẽ thấy mặt đường. Nó đã có từ những năm 1930 của thế kỷ trước, khi thân phụ của chủ nhân, hai vợ chồng nhà giáo hiện nay sống và chăm sóc
Đấy là ngôi nhà bình thường nhưng đặc trưng của Đà Lạt xưa. Một vườn hoa, nét kiến trúc phảng phất kiểu Pháp cổ nhưng không khí ngôi nhà lại hoàn toàn Việt Nam. Thời gian đi qua, mặt tiền ngôi nhà cũng phải được sửa sang, màu sơn mới hơn, đường nét ít nhiều thay đổi, nhưng sự ấm cúng, những lối đi hẹp dẫn lên căn gác áp mái, nền xi măng không một hạt bụi, nó bóng lên theo thời gian và cả sự chăm sóc kỹ lưỡng của người phụ nữ trí thức, vén khéo đang sống ở đấy, tới nỗi nó phản chiếu cả ánh đèn vàng ấm cúng xuống nền nhà. Ngăn nắp và sạch sẽ cũng là một phong cách sống quen thuộc của những người Đà Lạt kỳ cựu, đích thực như vợ chồng giáo sư Lê Kim Ngữ - chủ nhân.
Ở thành phố dốc đồi, quanh năm lạnh giá thì những căn phòng ngủ, nơi bếp ăn hẹp được chăm sóc kỹ lưỡng, chu đáo. Cái không khí ấm cúng rõ rệt tới mức tưởng như ta có thể chạm tay vào. Cái lạnh bên ngoài, sự ấm áp bên trong chính là linh hồn của những ngôi nhà không cần phải là biệt thự như ngôi nhà này. Lòng hiếu khách luôn gây kinh ngạc cho những ai quen biết ghé thăm cũng đều để lại dấu ấn khó quên từ gia chủ.
Ở Đà Lạt hiện nay ngoài những ngôi biệt thự kiểu Pháp còn sót lại trên một vài con đường đẹp, còn có một số những căn nhà như thế này. Một mơ ước bình thường của tôi chỉ là giá như mọi ngôi nhà của Đà Lạt đều giữ lại được nét duyên dáng tự nhiên của hoa cỏ trong vườn, trên giàn trước sân, trên mái, bên từng vạt đồi, con dốc. Chỉ thế thôi Đà Lạt sẽ mãi giữ được cái nhan sắc sương khói của mình. Bốn mùa đi qua, hoa cỏ tự nhiên trang điểm cho nhan sắc ấy chẳng cần đến mọi lễ hội hoa rầm rộ tốn kém mà chỉ toàn hoa trên giàn sắt, hoa trong chậu bày như một chợ tết.
Trong trí nhớ của mình tôi sẽ còn mãi ngôi nhà nên thơ của đôi vợ chồng hiền lành này. Và một chiếc cổng gỗ nâu phủ vàng hoa dã quỳ nay cũng đã không còn trên con đường dốc cao nhìn xuống hồ Xuân Hương êm ả.
Đành vậy!
Nhà ở cuối con dốc, cảnh nhà ở đặc trưng ở Đà Lạt. con dốc dẫn xuống nhà viền bằng hoa cỏ, chiếc xích đu dưới giàn hoa ngoài sân, giàn hoa leo - như mái tóc dịu dàng của ngôi nhà.
Ánh sáng hắt xuống nền xi măng bóng lên vì sạch sẽ, hẹp nhưng ngăn nắp là phong cách người Đà Lạt
Đây, nét riêng của nhà Đà Lạt: sàn xi măng không lát gạch hoa, sạch như li không một hạt bụi
Vòm cong đặc trưng và trần gỗ kiểu pháp cổ điển - nét ấm áp phòng khách
Bếp cũng như lau, cái chạn cũ dù sơn mới nhưng đứng đấy chỗ không thể hợp hơn
Phòng làm việc trên tầng áp mái, sàn gỗ
Phòng ngủ không rộng nhưng ấm áp vô cùng, nó đã thách thức nhiều mùa đông đi qua phố núi này
Tầng áp mái - chuồng bồ câu đẹp như một phòng trưng bày mỹ thuật
Một góc phòng ngủ tầng áp mái còn giữ nguyên vẹn chổ ngủ xưa của người con chủ nhà nay đã lớn như một kỷ niệm
Cầu thang hẹp nhưng lạ thay không gây cảm giác chen lấn, chật chội
Bài: Đỗ Trung QuânẢnh: Đức Nguyễn
source
http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=46035&fld=HTMG/2009/0112/46035

No comments:

Post a Comment